Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp là yếu tố bất lợi khiến huyết áp tăng cao dẫn đến đột quỵ, đặc biệt đe dọa người cao tuổi và nhóm nguy cơ tai biến.
Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đình Đài, Chủ nhiệm khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103, cho biết thông tin trên và nói thêm khi thời tiết lạnh, số người đột quỵ chảy máu não tăng, chiếm khoảng 50% trong số ca đột quỵ. Nhiều người khởi phát đột quỵ tại khi đi vệ sinh ban đêm, rời nhà tắm, mở cửa ra ngoài lúc sáng sớm…
Theo bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca đột quỵ khi thời tiết chuyển mùa hàng năm, chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm.
Có nhiều yếu tố liên quan đến đột quỵ gồm bệnh tăng huyết áp, bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường, béo phì, tăng mỡ máu, hút thuốc, lối sống ít vận động, không lành mạnh, làm việc căng thẳng… Đây là bệnh lý thường gặp ở người già. Bệnh nhân đột quỵ trẻ còn liên quan đến các yếu tố di truyền, có bất thường về mạch máu, tình trạng đông máu, dẫn đến nguy cơ vỡ mạch máu, hoặc tắc mạch máu.
Đột quỵ não là bệnh xảy ra đột ngột, không thể dự báo trước. Để phát hiện sớm biểu hiện đột quỵ, có thể dựa vào dấu hiệu F.A.S.T, viết tắt của các từ Face – liệt mặt, méo miệng, Arm – yếu tay hoặc yếu nửa người, Speech – nói ngọng, nói khó, Time – thời điểm bị tai biến, được hiểu là lúc xuất hiện các triệu chứng trên. Lúc này, bệnh nhân cần được nhanh chóng đến bệnh viện để điều trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong, tàn phế.
Thời gian vàng để bệnh nhân nhồi máu não được tái thông mạch não bằng thuốc là trong vòng 4,5 giờ kể từ khi khởi phát. Tuyệt đối không cạo gió, chích máu đầu ngón tay… Không chờ bệnh nhân ổn rồi mới gọi cấp cứu hoặc mới đưa đi cấp cứu.
Hiện nay, Việt Nam tiếp cận nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị đột quỵ của thế giới như điều trị tiêu huyết khối, can thiệp mạch máu não hoặc đặt stent động mạch, nong rộng vị trí mạch máu bị hẹp do xơ vữa. “Song, khó khăn nhất trong điều trị đột quỵ ở Việt Nam là bệnh nhân thường không đến kịp trong thời gian vàng”, bác sĩ Đài nói.
Khi nghi ngờ đột quy, cần đặt người bệnh nơi thông thoáng, nới lòng quần áo, không cho ăn hay uống nước. Ghi nhớ giờ khởi phát triệu chứng đầu tiên giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị và nhanh chóng gọi cấp cứu đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Những ngày rét đậm, rét hại, người có bệnh lý huyết áp cần kiểm soát tốt huyết áp, theo dõi các chỉ số thường xuyên, uống thuốc theo chỉ định, kiểm soát mỡ máu. Giữ ấm cơ thể khi ra ngoài trời lạnh, không nên dậy tập thể dục quá sớm. Nên chuyển tập thể dục buổi sáng sớm sang buổi chiều vì khi đó nhiệt độ ấm áp hơn và cơ thể đã thích nghi trong ngày.
Người mắc bệnh nền cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc. Không ăn thừa quá nhiều calo, hạn chế mỡ động vật, bỏ thuốc, ăn nhiều rau củ. Tạo thói quen ăn sáng đủ đầy, ăn trưa vừa phải và ăn tối ít, ưu tiên ăn đồ luộc, hấp… Không dùng các chất kích thích như thuốc lá rượu bia; ăn uống với chế độ dinh dưỡng hợp lý.
Người trẻ cần xây dựng lối sống lành mạnh, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước vào sáng sớm lúc ngủ dậy. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả, đậu nành, nhiều cá, ít thịt. Sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia..
Đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ ba sau bệnh tim mạch và ung thư. Tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận mỗi năm ghi nhận thêm 200.000 ca đột quỵ, khoảng 50% trường hợp tử vong, nhiều người sống sót sau đột quỵ phải sống chung với các di chứng về thần kinh, vận động… Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi đang có xu hướng tăng lên, trung bình khoảng 2% mỗi năm, số lượng nam giới cao gấp bốn lần nữ giới. Trong đó, nhiều người bệnh không biết mình mang yếu tố nguy cơ, đến khi bị đột quỵ, đo huyết áp, thử đường huyết mới phát hiện.
Vài ngày qua miền Bắc rét đậm, rét hại. Theo cơ quan khí tượng thủy văn, không khí lạnh kéo nền nhiệt vùng núi phía Bắc xuống dưới 10 độ, một số nơi dưới 3 độ C, băng giá tiếp tục hình thành ở đỉnh núi Fansipan (Lào Cai).